Loading...

Vẫn tràn lan vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng

Ngày 10-3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022. 

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.

Trong 2 năm (2020-2021), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 76 cơ sở với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực nhưng những vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng về quy định quảng cáo thực phẩm chức năng, nội dung quảng cáo chưa đúng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh… tạo sự hiểu lầm của người dân khi sử dụng các sản phẩm này. Các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý các vi phạm này nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện tràn lan trên Zalo, Facebook, Youtube… Trong khi, các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên khó kiểm soát. Thậm chí, với một số website, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho rằng, các vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm chức năng là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Thậm chí, đơn vị vi phạm còn sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh…

Qua thanh tra, kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm còn phát hiện trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên bán thực phẩm chức năng trái phép, thậm chí thuê cả người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai sự thật. 

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định, không có thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh. Với những trường hợp bị xử phạt, Cục An toàn thực phẩm đã công bố công khai trên website của đơn vị mình và thông báo cho các cơ quan báo chí đăng tin. Theo thống kê, trên website có tên miền vfa.gov.vn đã đăng 246 bài cảnh báo.

Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công Thương tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để làm gương đối với các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo...

Nguồn: HNM

Mời các bạn theo dõi AN NINH 24H trên FB để dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống đáng tin cậy nhất được chia sẻ từ  Anninh24h.com.vn


 

Chia Sẻ :

Tags:,

Tin cùng danh mục

0911 577 889